MARKET

Ngân hàng sẽ giảm 0,5% lãi suất khoản vay cũ

Friday, 09/06/2023, 11:05 GMT+7

Nhiều ngân hàng thương mại đã đồng thuận giảm 0,3-0,5% lãi suất cho vay với tất cả khách hàng hiện hữu, áp dụng từ 29/5.

Ngân hàng sẽ giảm 0,5% lãi suất khoản vay cũ

Ngân hàng sẽ giảm 0,5% lãi suất khoản vay cũ

Nhóm dự kiến giảm lãi suất tuần tới sẽ tập trung ở các ngân hàng tư nhân từ đầu năm đến nay chưa điều chỉnh lãi với những khoản vay cũ. Động thái này diễn ra sau cuộc họp giữa lãnh đạo các nhà băng với Ngân hàng Nhà nước ngày 25/5.

Ngân hàng Nhà nước gần đây thường xuyên tổ chức các cuộc họp với ngân hàng thương mại, yêu cầu những đơn vị neo lãi suất cao và chênh lệch lớn so với đầu vào có sự điều chỉnh, để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn.

Trước đó, nhóm ngân hàng có vốn nhà nước và một vài nhà băng tư nhân đã chủ động giảm lãi suất đồng loạt với các khoản vay cũ. Cụ thể, Vietcombank đã có hai đợt giảm lãi suất với các khoản vay hiện hữu, áp dụng từ đầu năm tới hết tháng 7. Agribank giảm 0,5% lãi suất với khoản vay trung dài hạn từ 15/5 đến hết 30/9. Tại nhóm tư nhân, ACB giảm từ 0,5% đến 2% cho khách hàng cũ có khoản vay đến kỳ thay đổi lãi suất.

Các ngân hàng tư nhân sẽ giảm lãi suất cho vay
Các ngân hàng tư nhân sẽ giảm lãi suất cho vay

Liên quan vấn đề lãi suất, trong công điện chiều 26/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp tục yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tìm cách giảm thêm lãi suất. Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước sử dụng các biện pháp để giảm chi phí như ứng dụng chuyển đổi số, tăng hiệu quả quản lý hay giảm thủ tục hành chính nhằm hạ lãi suất. Điều này nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn, giúp doanh nghiệp phần nào giảm chi phí, tăng cường năng lực sản xuất, kinh doanh.

Cơ quan này cũng phải rà soát lại các gói tín dụng 40.000 tỷ đồng và 120.000 tỷ đồng nhằm hướng đến các điều kiện cho vay kịp thời, thuận lợi, thông thoáng, linh hoạt, khả thi hơn; đồng thời tăng cường kiểm tra, không để xảy ra trục lợi chính sách, vi phạm pháp luật.

Theo Thủ tướng, dù Ngân hàng Nhà nước có nhiều nỗ lực, mặt bằng lãi suất, đặc biệt là lãi suất cho vay còn cao, các quy định tiếp cận vốn khó khăn, các gói giải ngân chậm. Nhiều doanh nghiệp gần đây cũng phản ánh, lãi suất ở mức trên 10% khiến họ khó tiếp cận được kênh tín dụng.

Trước đó, theo báo cáo của Chính phủ, bình quân lãi suất cho vay mới ba tháng đầu năm là 9,3% nhưng số liệu của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho thấy lãi suất cho vay bình quân tại 35 ngân hàng thương mại tới cuối tháng 3 khoảng 10,23%, cao hơn 0,56 điểm phần trăm so với cuối năm ngoái.

>> Xem thêm:

Chính phủ đồng thuận giảm 50% phí trước bạ với ô tô trong nước

MỨC PHẠT Ô TÔ, XE TẢI CHẬM ĐĂNG KIỂM MỚI NHẤT 2023

 

Ngân hàng Nhà nước hôm 25/5 đã giảm trần lãi suất tiền gửi dưới 6 tháng xuống 5% một năm. Đây là lần thứ hai nhà điều hành giảm trần lãi suất huy động từ đầu năm tới nay. Trước đó, đầu tháng 4, trần lãi suất tiền gửi 1-6 tháng điều chỉnh từ 6% xuống 5,5%. Ngày 14/3, Ngân hàng Nhà nước cũng giảm 1% các loại lãi suất điều hành gồm tái chiết khấu và cho vay qua đêm.

Theo Ngân hàng Nhà nước, đó là "bước đi quan trọng, định hướng cho xu hướng giảm lãi suất của thị trường thời gian tới". Đây là tín hiệu định hướng các nhà băng giảm lãi suất cho vay. Đồng thời, việc điều chỉnh giảm trần lãi suất tiền gửi bằng tiền đồng kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng cũng hỗ trợ các ngân hàng giảm chi phí đầu vào. Từ đó, các nhà băng có điều kiện thuận lợi giảm lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp và người dân, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Nguồn tin tức: VnExpress