Dự kiến sẽ tăng mức phạt đối với 251/662 hành vi, nhóm hành vi vi phạm là một trong những quy định đáng chú ý của dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (thay thế Nghị định số 46/2016/NĐ-CP) do Bộ Giao thông vận tải chủ trì soạn thảo.
Bộ GTVT cho biết, qua thực tiễn triển khai thực hiện Nghị định số 46/2016/NĐ-CP, về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu bảo đảm thi hành Luật Giao thông đường bộ, Luật Đường sắt và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước, góp phần bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt.
Tuy nhiên, theo báo cáo tổng kết công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông năm 2017, 2018 cho thấy tình hình tai nạn giao thông diễn biến phức tạp, mức giảm TNGT chưa đạt yêu cầu, số người chết do tai nạn giao thông chỉ giảm 0.75%, trong đó đã xảy ra một số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, làm thiệt hại lớn về người và tài sản; tình trạng vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ còn diễn ra phổ biến. Quý I/2019, toàn quốc xảy ra trên 4.000 vụ TNGT, làm chết trên 1.900 người, bị thương trên 3.000 người.
Riêng trong lĩnh vực đường bộ, tình trạng vi phạm các quy định trên đường cao tốc diễn ra phức tạp, hiện tượng dừng, đỗ, lùi xe trên đường cao tốc tiềm ẩn nguy cơ cao gây mất an toàn giao thông có chiều hướng gia tăng, đã có những trường hợp gây tai nạn giao thông phải chuyển xử lý hình sự tạo nên bức xúc trong dư luận xã hội; hành vi điều khiển xe mô tô đi vào đường cao tốc còn diễn ra khá phổ biến; các hành vi vi phạm quy định về hoạt động vận tải đường bộ trên đường cao tốc như đón, trả khách, nhận, trả hàng trên đường cao tốc có chiều hướng gia tăng vừa tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông, vừa không bảo đảm yêu cầu công bằng, bình đẳng trong hoạt động vận tải hành khách và hàng hóa; các hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn, ma túy của người điều khiển phương tiện trong thời gian qua còn diễn ra phổ biến. Từ cuối năm 2018 đến nay, đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến nguyên nhân lái xe vi phạm quy định về nồng độ cồn, sử dụng chất ma túy, đi không đúng làn đường, phần đường,… làm chết và bị thương nhiều người, gây bức xúc trong dư luận, tạo áp lực cho công tác bảo đảm ATGT. Bên cạnh đó, một số hành vi trong lĩnh vực đường bộ chưa được quy định chế tài xử phạt trong Nghị định.
Lùi xe trên đường cao tốc: Có thể bị phạt tới 18 triệu đồng. Ảnh minh họa
Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 46/CP bổ sung 03 nhóm hành vi trong lĩnh vực đường bộ. Ví dụ bổ sung hành vi vi phạm của người điều khiển xe ô tô lắp thêm đèn phía trước, hai bên thành xe; xe có thiết kế không đúng với thiết kế của cơ quan đăng ký xe theo quy định; Bổ sung hành vi vi phạm của người điều khiển phương tiện mà phương tiện được dán, sơn thêm làm thay đổi chữ, số hoặc thay đổi màu sắc của chữ, số, nền biển số…
Dự thảo cũng “siết” hơn việc xử lý các cơ sở đào tạo, đơn cử bổ sung hành vi vi phạm của cơ sở đào tạo khi không có đủ thiết bị giám sát thời gian học lý thuyết, thời gian, quãng đường học thực hành lái xe của học viên; Bổ sung hành vi: Bố trí không đủ số lượng đăng kiểm viên tối thiểu trên dây chuyển kiểm định; Bổ sung hành vi thực hiện kiểm định, cấp giấy chứng nhận kiểm định vượt quá số lượng phương tiện theo quy định đối với mỗi dây truyền kiểm định; không lưu trữ dữ liệu kiểm định theo quy định
Đặc biệt, dự thảo tăng nặng mức xử phạt đối với các nhóm hành vi vi phạm có nguy cơ cao gây mất an toàn giao thông (như: vi phạm quy định về nồng độ cồn, chất ma túy, đi không đúng phần đường, làn đường, chạy quá tốc độ, đi ngược chiều, lùi xe trên đường cao tốc…); đồng thời có xét đến tính khả thi khi thực hiện.
Cụ thể, Dự thảo điều chỉnh tăng 251/662 hành vi, nhóm hành vi trong đó có 56 hành vi, nhóm hành vi tăng cao mức xử phạt. Đơn cử hành vi điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở sẽ bị phạt từ 6 đến 8 triệu đồng (thay vì 2 đến 3 triệu như Nghị định 46/CP hiện hành); Hay hành vi điều khiển xe đi ngược chiều trên đường cao tốc, lùi xe trên đường cao tốc, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định bị phạt từ 16 đến 18 triệu (thay vì chỉ 7 đến 8 triệu cho hành vi điều khiển xe đi ngược chiều trên đường cao tốc theo Nghị định 46/CP); Các hành vi như không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ; Điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy; Không chấp hành yêu cầu kiểm tra về chất ma túy của người thi hành công vụ …cũng bị phạt từ 30 đến 40 triệu đồng. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung.
Theo baophapluat.vn