THỊ TRƯỜNG

Những quy định mới khi tham gia giao thông mà chủ xe cần biết

Thứ hai, 18/04/2022, 11:51 GMT+7

Năm 2022 có thêm nhiều quy định mới khi tham gia giao thông với xe ô tô bao gồm các thay đổi về chính sách, ưu đãi, thuế phí và nhiều quy định mới về mức xử phạt đối với xe ô tô.

Những quy định mới khi tham gia giao thông mà chủ xe cần biết

Những quy định mới khi tham gia giao thông mà chủ xe cần biết

Ôtô được giảm phí sử dụng đường bộ

Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 120/2021/TT-BTC quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí. Bắt đầu từ ngày 1.1.2022 đến hết ngày 30.6.2022, phí sử dụng đường bộ đối với ô tô kinh doanh vận tải của doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải sẽ được giảm từ 10 - 30%.

Trong đó, xe ô tô kinh doanh vận tải của doanh nghiệp kinh doanh kinh vận tải, hợp tác xã kinh doanh vận tải, hộ kinh doanh vận tải; xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách (ôtô chở người, các loại xe buýt vận tải hành khách công cộng) sẽ được giảm 30% phí sử dụng đường bộ. Xe tải, xe ôtô chuyên dùng, xe đầu kéo sẽ giảm 10% phí sử dụng đường bộ.

Tăng mức xử phạt hành chính đối với các trường hợp vi phạm giao thông

Theo Nghị định 123/2021/NĐ-CP, việc xử phạt các lỗi vi phạm sẽ có nhiều điểm mới nhằm sửa đổi và bổ sung cho Nghị định 100/2019/NĐ-CP.

Cụ thể, hành vi sử dụng thiết bị di động khi đang điều khiển phương tiện sẽ bị phạt từ 2.000.000 - 3.000.000 đồng.

Hành vi không tuân thủ đèn tín hiệu giao thông sẽ bị phạt tiền từ 4.000.000 - 6.000.000 đồng nếu ôtô không tuân thủ tín hiệu đèn và hướng dẫn của người điều khiển giao thông (căn cứ theo Điểm đ, Khoản 34, Điều 2).

Phạt tiền từ 2.000.000 - 3.000.000 đồng nếu điều khiển xe ô tô hoặc loại xe tương tự ôtô đi vào khu vực cấm, đường có biển báo hiệu có nội dung cấm đi vào (căn cứ theo Điểm d, Khoản 34, Điều 2).

Phạt tiền từ 300.000 - 400.000 đồng (tăng 100.000 đồng so với Nghị định 100) nếu dừng, đỗ ôtô không có tín hiệu báo cho người điều khiển phương tiện khác biết; bấm còi trong đô thị và khu đông dân cư từ 22h hôm trước đến 5h hôm sau (trừ xe ưu tiên đang làm nhiệm vụ theo quy định).

Mức phạt đối với hành vi điều khiển xe quá tốc độ là từ 4.000.000 - 6.000.000 đồng (theo Điểm đ, Khoản 34, Điều 2, Nghị định 123) với trường hợp điều khiển ô tô chạy quá tốc độ quy định từ 10 - 20 km/h.

Đối với hành vi chở quá số người quy định, chủ xe khách sẽ bị phạt từ 400.000 - 600.000 đồng/người nhưng tổng mức phạt tối đa không vượt quá 75.000.000 đồng. Xe khách chạy tuyến có cự ly hơn 300 km chở quá số người quy định sẽ bị xử phạt 1.000.000 - 2.000.000 đồng/người nhưng tổng mức phạt tối đa không vượt quá 75.000.000 đồng.

Đối với hành vi vi phạm quy định về Giấy phép lái xe và Giấy đăng ký xe, phạt tiền từ 5.000.000 - 12.000.000 đồng nếu người điều khiển xe ôtô, xe máy kéo và các loại xe tương tự ôtô vi phạm quy định về Giấy phép lái xe.

Phạt tiền từ 2.000.000 - 3.000.000 đồng nếu điều khiển ô tô không có Giấy đăng ký theo quy định hoặc sử dụng Giấy đăng ký xe đã hết hạn sử dụng.

Ngoài ra, mức phạt cho ôtô có hành vi dừng, đỗ xe sai quy định sẽ bị tăng lên 4.000.000 đồng. Với trường hợp xe ôtô lắp biển số sai quy định tăng gấp 6 lần. Ôtô không nhường đường hoặc gây cản trở xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu làm nhiệm vụ sẽ bị phạt 6.000.000 - 8.000.000 đồng, tăng 3.000.000 đồng so với Nghị định 100/2019/NĐ-CP.

>> Xem thêm:

Bạn cần biết gì khi tiêu chuẩn khí thải Euro 5 được áp dụng từ năm 2022

Dung dịch xử lý khí thải Ure và những điều cần biết

Xử phạt xe kinh doanh vận tải không lắp camera hành trình

Theo đó, từ 1.1.2022, ô tô kinh doanh vận tải hành khách từ 9 chỗ trở lên và ôtô kinh doanh vận tải hàng hóa bằng công-ten-nơ, xe đầu kéo không lắp camera giám sát sẽ bị xử phạt.

Quy định mới từ 1.1.2022 về mức xử phạt xe kinh doanh vận tải không lắp camera hành trình

Quy định mới từ 1.1.2022 về mức xử phạt xe kinh doanh vận tải không lắp camera hành trình

Cụ thể, phạt tiền từ 1.000.000 - 2.000.000 đồng nếu không lắp camera theo đúng quy định; có lắp camera nhưng không ghi, không lưu trữ được hình ảnh trên xe (kể cả người lái xe) trong quá trình tham gia giao thông theo quy định.

Phạt tiền từ 5.000.000 - 6.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 10.000.000 - 12.000.000 đồng đối với tổ chức kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải nếu vi phạm lỗi này. (Căn cứ theo Điều 28 của Nghị định 100/2019/NĐ-CP).

Ngoài việc bị phạt tiền, cá nhân hoặc tổ chức vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng biển hiệu (phù hiệu) từ 01 - 03 tháng (nếu có hoặc đã được cấp).

Xử phạt xe kinh doanh vận tải không đổi biển trắng sang biển vàng

Theo Thông tư 58/2020/TT-BCA quy định, xe đang hoạt động kinh doanh vận tải của cá nhân hoặc tổ chức phải thực hiện đổi sang biển có nền màu vàng và chữ số màu đen trước ngày 31.12.2021.

Những xe kinh doanh vận tải chưa làm thủ tục đổi biển trắng sang biển vàng sẽ bị xử phạt từ 2.000.000 - 4.000.000 đồng đối với cá nhân, còn đối với tổ chức sẽ bị phạt từ 4.000.000 - 8.000.000 đồng.

Nguồn: Báo Lao động